Lại chiêu "hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Theo một báo cáo của Bộ Tài chính, chi phí quảng cáo chiếm từ 20% đến 30% giá thành sản phẩm sữa, thậm chí cao hơn đã làm giá sữa tăng từ 2,18% đến 16,39%. Vì vậy, chỉ cần so sánh chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá sữa với mức giảm 0,4-4% áp dụng từ ngày 20-4 đã thấy, mức giá giảm của các doanh nghiệp (DN) chưa tương xứng. Không những thế, để "lách" quy định phải loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá, một số hãng sữa đã sử dụng phương thức đổi mẫu mã, bao bì nhằm tăng giá bán sản phẩm.
Thông tin trên báo Hà Nội mới, chị Nguyễn Ngọc Anh, một bà mẹ đang nuôi con 12 tháng tuổi tại Hà Nội cho biết, giá sữa bột, đặc biệt là giá sữa nhập khẩu tại Việt Nam luôn ở mức cao so với thu nhập của đa số những người làm công ăn lương. Nhưng, dù có đắt đỏ đến đâu thì hầu hết các gia đình vẫn cố gắng thu xếp để mua sữa cho con. Còn việc đến khi nào giá sữa trở nên hợp lý và bảo đảm được quyền lợi cho người tiêu dùng thì chỉ có thể trông chờ vào cơ quan quản lý.
Chủ một đại lý sữa tại Hà Nội cho biết, hãng sữa Friso vừa thông báo về việc thay đổi mẫu mã, bao bì đối với sản phẩm sữa bột cho trẻ em. Thế nhưng, khi con trẻ đã quen sử dụng một loại sữa bột nào đó, các phụ huynh thường có tâm lý trung thành với hãng này. Vì vậy, mỗi khi giá sữa tăng, đa phần người làm cha mẹ đều phải chấp nhận dù không vui vẻ gì. Một đại lý sữa khác cũng cho biết, nếu như trước đây, các sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung được phân chia theo giai đoạn 0-6 tháng, 6-12 tháng và 1-3 tuổi, thì nay phần lớn sữa được chia theo nhóm 1-2 tuổi và trên 2 tuổi sao cho phù hợp với quy định cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi. Cùng với đó, một số sản phẩm cũng bổ sung tăng thành phần và tăng giá bán. Đơn cử, sữa hộp Enfagrow số 4 mẫu cũ dành cho trẻ 3 tuổi trở lên, nay đã được đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nếu so sánh bao bì cũ với bao bì mới sẽ dễ nhận thấy, thành phần của sữa không thay đổi, nhưng giá của hộp sữa bao bì mới lại đắt hơn, thậm chí có loại tăng đến 40.000 đồng/hộp.
Thông tin trên báo Tiền phong, ngày 19/4 tại nhiều đại lý sữa trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), sữa công thức các loại dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi, từ 6 - 12 tháng, từ 1-3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… nay bị bất ngờ thay đổi theo chuẩn mới.
Theo đó, tách sữa dành cho trẻ từ 1-3 tuổi thành 2 loại: 1-2 tuổi và từ 2-4 tuổi và giá tăng từ 10-20% tùy vào từng sản phẩm. Đơn cử, sản phẩm Enfamil A+ 360 loại Brain Plus thay đổi về độ tuổi dành cho trẻ và giá bán được điều chỉnh tăng thêm. Cụ thể, hộp sữa Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-2 tuổi có giá bán hiện tại là 424.000 - 429.000 đồng/hộp 900 gr (giá của loại sữa trước đây dành cho trẻ từ 1-3 tuổi chỉ là 370.000 - 380.000 đồng/hộp 900 gr tùy đại lý).
Sản phẩm Enfagrow A+4 Brain Plus mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên giá bán 403.000 đồng/hộp 900 gr (giá loại cũ dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, chỉ 371.000 đồng/hộp); còn loại 400 gr giá bán tương ứng là 183.000 đồng/hộp và 197.000 đồng/hộp. Sữa Dutch Lady trước đây loại dành cho trẻ từ 1-3 tuổi có giá 172.000 đồng/hộp, nay đổi mẫu mã, độ tuổi của trẻ khiến giá sữa tăng lên khoảng 20%.
Rõ ràng, chiêu "lách" luật, đổi mẫu mã và tăng giá bán sản phẩm của các hãng sữa đã khiến nỗ lực cắt giảm những chi phí bất hợp lý ra khỏi giá sữa bột cho trẻ em trở nên vô hiệu. Một lần nữa, phần thiệt thòi tiếp tục nghiêng về phía người tiêu dùng.
Hôm nay giá sữa có giảm?
Về việc giá sữa giảm từ ngày 20/4, có thể thấy giá sữa nguyên liệu thế giới những tháng đầu năm 2015 giảm trên 50% so với cùng kỳ, kèm theo chi phí quảng cáo, khuyến mãi của sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi được cắt giảm… lẽ ra, giá sữa phải giảm nhiều hơn mức giảm do các DN đăng ký. Nhưng, giá sữa vẫn chưa giảm, thậm chí DN còn sử dụng nhiều chiêu thức để lách luật, tăng giá. Trước thực tế này, cơ quan hải quan có thể xác minh xem giá sữa mà DN kê khai khi nhập khẩu vào Việt Nam có phù hợp hay không để từ đó các cơ quan chức năng đưa ra những biện pháp quản lý hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 177 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi nằm trong đối tượng “bị cấm quảng cáo”. Với 5 doanh nghiệp lớn (Cty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam, Cty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Cty TNHH Nestle Việt Nam, Cty TNHH Dinh Dưỡng 3A và Cty TNHH Tiên Tiến-nhà phân phối của Cty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam) đăng ký kê khai, Bộ Tài chính đã nhận được đăng ký giảm giá của 50 dòng sản phẩm chiếm lĩnh thị trường từ 2014. Còn 127 dòng sản phẩm khác kê khai giá tại các sở tài chính địa phương.
Cục trưởng Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “5 doanh nghiệp đã kê khai lại và tiết giảm với các dòng sản phẩm dưới 24 tháng tuổi như yêu cầu. Đây là đợt giảm giá thứ hai và mức giảm từ 0,4-4% là tương đối phù hợp”.
Gần đây, có thông tin một số doanh nghiệp đối phó với yêu cầu “cấm quảng cáo” của Chính phủ đối với sữa dành cho trẻ em 24 tháng tuổi bằng cách phân loại lại, thậm chí còn tăng giá thông qua thay đổi công thức.
Ông Tuấn cho biết: Cơ quan quản lý giá thực hiện phân loại các sản phẩm sữa theo Thông tư 30 (2010) của Bộ Y tế. Bất cứ dòng sản phẩm mới nào trên thị trường thuộc đối tượng quản lý đều phải xác định giá tối đa và được công khai. “Chúng tôi thường xuyên rà soát, nếu có sản phẩm mới sẽ rà soát chặt chẽ”, ông Tuấn nói.
Được biết, trung tuần tháng 3/2015, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các DN kê khai giá, rà soát, báo cáo diễn biến của từng yếu tố chi phí đầu vào, giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi quý I-2015 so với thời điểm đăng ký, kê khai giá năm 2014. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm đưa giá sữa giảm xuống mức tương đồng với giá thế giới.
Trong buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ mới đây, trả lời thắc mắc của đại diện hãng sữa Mead Johnson về việc có tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi hay không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi, nếu cần thiết sẽ áp dụng những giải pháp để bảo đảm quyền lợi hài hòa của các bên. Bởi thời gian gần đây, giá sữa nguyên liệu đã giảm sâu, nhưng giá sản phẩm tại Việt Nam chưa giảm. Nếu các hãng có thể đưa giá sữa Việt Nam tương đồng với giá sữa trong khu vực thì cơ quan quản lý sẽ không cần sử dụng biện pháp áp giá trần để bình ổn giá sữa.
Dư luận đang chờ những biện pháp mạnh của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa giá sữa bột giảm xuống mức ngang bằng các nước trong khu vực, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Đời sống pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét